Bạn muốn đi du học? Bạn đang trên con đường theo đuổi ước mơ, hoài bão của mình? Thế bạn đã chuẩn bị những gì? Dưới đây là 10 mẹo vặt giúp bạn nắm chắc trong tay visa du học các nước.
Xin visa du học dường như luôn là phần “đau đầu” nhất trong quá trình làm hồ sơ du học của các sĩ tử. Bên cạnh việc chuẩn bị những giấy tờ cần thiết và tìm kiếm những văn bản hướng dẫn (form điền) trên các website của chính phủ, tất cả những gì bạn muốn chỉ là “xách ba lô lên và…bay”. Bên cạnh đó, một việc cũng quan trọng không kém chính là theo dõi những thủ tục và yêu cầu nhập cảnh cụ thể của từng quốc gia một cách cẩn thận để tránh các rắc rối ngoài ý muốn với chính phủ trong khoảng thời gian tiền nhập học của bạn. Hãy để 10 mẹo xin visa dưới đây đập tan sự lo lắng của bạn nhé!
- BẠN CÓ THỰC SỰ CẦN VISA?
Mỗi quốc gia có những yêu cầu về visa khác nhau. Bạn có cần xin visa hay không tùy thuộc vào quốc tịch của bạn và nước bạn muốn đến. Ví dụ: Một sinh viên có quốc tịch châu Âu sẽ không cần xin visa để đến các nước khác trong khối châu Âu, trong khi các sinh viên mang quốc tịch khác lại bắt buộc phải có. Tương tự vậy, sẽ có một số nước nhất định trên thế giới được đến Malaysia miễn visa. Chính vì thế, bạn nên kiểm tra cả yêu cầu nhập cảnh và xin visa cụ thể trên website nhập cảnh quốc tế của từng nước. Ngay cả khi bạn không cần xin visa, bạn vẫn nên chuẩn bị một số giấy chứng nhận sinh viên hoặc bằng cấp cần thiết (hoặc được yêu cầu) để có thể học tập ở nước ngoài.
- KẾT QUẢ KÌ THI TIẾNG ANH
Bạn có thể được yêu cầu nộp bảng điểm tiếng Anh như một phần của quá trình xin visa. Trong trường hợp này, bạn nên chắc chắn rằng bảng điểm vẫn còn giá trị sử dụng (còn hạn) cho đến hiện tại và ít nhất là một vài tháng sau. Nếu bảng điểm hết hạn trong thời gian bạn tham gia khóa học, bạn nên sắp xếp một kì thi lại nếu cần thiết. Cả bảng điểm TOEFL và IELTS đều có giá trị trong vòng 2 năm kể từ ngày thi.
- TRANG TRỐNG
Khi nộp đơn xin visa, bạn cần đảm bảo rằng hộ chiếu có ít nhất là 4-6 trang trống. Mặc dù visa chỉ cần một trang giấy, một số lãnh sự quán vẫn yêu cầu ít nhất 2 trang trống trở lên trong passport. Nếu hộ chiếu của bạn không có đủ trang trống, bạn nên làm lại hộ chiếu mới trước khi nộp hồ sơ xin visa. Việc thiếu trang trống có thể kéo dài thời gian làm hồ sơ của bạn ít nhất một vài tuần và đôi khi bạn phải nộp thêm phí.
- ẢNH HỘ CHIẾU VÀ GIẤY TỜ
Hãy chắc chắc rằng bạn đã xem kĩ và chuẩn bị tất cả giấy tờ cần thiết trước khi nộp hồ sơ. Nếu giấy tờ không đạt yêu cầu, bạn sẽ không được cấp visa và phải làm lại toàn bộ quá trình một lần nữa (thậm chí có thể phải trả thêm phí nộp hồ sơ). Bạn cũng cần kiểm tra cẩn thận yêu cầu về ảnh hộ chiếu. Các quốc gia có những yêu cầu khắt khe khác nhau và ảnh của bạn sẽ không được nhận nếu không đạt yêu cầu.
- SẴN SÀNG ĐÓNG PHÍ
Khi xin visa, bạn luôn phải trả một khoản phí thủ tục khi nộp đơn và có thể trả bằng tiền mặt sau khi phỏng vấn. Mặc dù một số quốc gia nhận hồ sơ online và thanh toán bằng thẻ credit hay debit, bạn vẫn có thể được yêu cầu đến văn phòng nhận visa hoặc nộp một số giấy tờ khác. Hãy luôn kiểm tra các phí phát sinh trong suốt quá trình và sẵn sàng đóng phí bằng tiền mặt.
- NỘP HỒ SƠ SỚM
Visa của bạn cần một khoảng thời gian để xử lí, thông qua các thủ tục của chính phủ. Nếu visa không đến kịp thời, bạn sẽ không được nhập cảnh ở nước đó cho dù khóa học đã bắt đầu hay chưa. Một số trang web có thể cấp cho bạn một visa tạm thời trong khoảng thời gian nhất định nhưng để chắc chắn hơn bạn nên giải thích để kéo dài thời hạn. Visa của bạn thường có hiệu lực gắn liền với thời gian khóa học. Vì thế, nếu bạn nhận được visa sớm hơn vài ngày hay vài tuần trước khi bay cũng không ảnh hưởng đến thời hạn visa nên các bạn không cần lo lắng nhé!
- KIỂM TRA LỖI DỊCH THUẬT
Tất cả hồ sơ, đơn xin visa phải được dịch sang tiếng Anh và xác nhận bởi cơ quan có thẩm quyền (địa phương). Một số lãnh sự quán có cung cấp dịch vụ dịch thuật và công chứng, tuy nhiên những việc này nên được hoàn thành trước khi bạn nộp hồ sơ xin visa. Bạn sẽ cần một số cuộc hẹn cho dịch thuật và công chứng. Vì thế, bạn nên kiểm tra và sắp lịch trực tiếp với lãnh sự quán hoặc trường Đại học bạn đang học.
- PHOTOCOPIES
Hãy đảm bảo rằng bạn giữ tất cả các bản photocopy bộ hồ sơ trước khi nộp cho lãnh sự quán và mang theo chúng khi đi phỏng vấn visa, ngay cả khi lãnh sự quán bảo sẽ gửi trả lại cho bạn sau khi visa hoàn thành. Các giấy tờ khác như hộ chiếu và CMND là những giấy tờ tùy thân cực kì quan trọng bạn cần giữ và đảm bảo bạn luôn sẵn sàng cung cấp thông tin cá nhân đó khi cần thiết. Bên cạnh đó, copy lại chúng khi đi du lịch nước ngoài cũng là một ý kiến hay.
- AM HIỂU
Trong một số trường hợp, đặc biệt với visa du học Mỹ, bạn sẽ được mời đi phỏng vấn. Hãy đảm bảo rằng bạn đã tìm hiểu kĩ chương trình học, trường Đại học của mình và sẵn sàng trình bày nguyện vọng, lí do mình muốn tham gia khóa học đó. Nếu bạn không trả lời được các câu hỏi cơ bản về dự định, kế hoạch học tập của mình trong tương lai, thật khó để chứng minh rằng bạn đến đất nước của họ để học tập chứ không có ý định nhập cư.
- BÌNH TĨNH
Xin visa du học là một trong những giai đoạn căng thẳng nhất. Tuy nhiên, nếu bạn đã chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ thủ tục và chi phí cần thiết thì tất cả chỉ là chuyện nhỏ. Lo lắng, cáu gắt hay phòng thủ chỉ làm cho viên nhập cảnh thêm lí do để “soi” hồ sơ của bạn kĩ hơn và kéo dài thời gian hơn. Hãy nhớ rằng: lãnh sự quán và quan chức muốn cung cấp dịch vụ để giúp đỡ bạn, và thủ tục xin visa chỉ là một trong số đó.
Jasmine Doan – CTV INEC
(Nguồn: hotcoursesabroad)